Trang chủ » » Cho con được nói...

Cho con được nói...

Giới thiệu bạn bè:
    Con không đau vì bị ba đánh đòn mà con đau vì cảm thấy bị tổn thương.
    Cho con được nói...
    Cho con được nói...
    “Câm miệng! Còn cãi nữa thì đừng có trách!”. Con nhớ như in lời nói và vẻ mặt ba lúc đó. Tuy ba nói vậy nhưng bàn tay ba đã vung lên và để lại những vết hằn trên má con và trong lòng con. Nó làm cho con không thể kềm chế.

    Và con đã mắc sai lầm khi thách thức: “Ba có đánh con, con cũng nói. Ba là một người ích kỷ. Ba chỉ nghĩ cho mình mà không bao giờ nghĩ đến cảm giác của con. Con ghét ba, con không cần ba nữa...”.

    Khi hét lên như vậy và bỏ chạy ra khỏi nhà, con cảm thấy hả hê. Con hình dung lúc đó chắc là ba tức giận lắm. Mặc! Từ nay con không cần nghĩ đến cảm giác của ba cũng như ba chưa bao giờ nghĩ đến cảm giác của con. Chính ba đã dạy cho con điều đó. Và bây giờ, con muốn ba bị trừng phạt.

    Thế nhưng, không có gì hơn tình thâm. Khi bình tâm lại, con bỗng thây ân hận. Con nhớ đến những lần con bệnh, ba thức suốt đêm canh chừng. Rồi ba cõng con ra công viên chơi, ba dẫn con vào quán kem cho con ăn thỏa thích trong lúc ba chỉ ngồi nhìn. Sau này con mới biết là lúc đó trong túi ba không có nhiều tiền... Khi con không hiểu bài, ba kiên trì ngồi giảng giải cho con. Ba gọt từng cái bút chì, bao từng quyển vở cho con... Cha và con là như thế nhưng sao khi con lớn lên thì những điều đó không còn? Ba thay đổi hay là do con bướng bỉnh, khó dạy? Con đi tới hay là ba đứng yên nên cha con mình ngày càng xa nhau?

    Có khi nào ba mẹ tự hỏi: Vì sao chúng con luôn né tránh đối diện với ba mẹ? Không phải vì khoảng cách tuổi tác, không phải vì trình độ chênh lệch, không phải vì “thời tụi con khác, thời ba mẹ khác” như cách mà nhiều bạn bè của con vẫn nói.

    Con nghĩ, thời nào thì cũng thế. Cái quan trọng là trong đầu ta suy nghĩ những gì!

    Ba mẹ, nhất là ba chỉ thích áp đặt mà không thích nghe con giải bài. Đâu phải lúc nào người lớn cũng đúng? Con bị điểm kém không có nghĩa là con lười biếng. Con về trễ không hoàn toàn là vì con ham vui. Một sự việc có nhiều nguyên nhân, sao ba mẹ chỉ khăng khăng giải thích theo suy nghĩ chủ quan của mình?
    Con đi tới hay là ba đứng yên nên cha con mình ngày càng xa nhau?
    Con đi tới hay là ba đứng yên nên cha con mình ngày càng xa nhau?
    Ba hỏi vì sao con không thích ăn cơm cùng ba mẹ? Có bữa cơm nào anh em con không bị ba cằn nhằn, nặng nhẹ đâu? Con thích những bữa cơm ở nhà bạn bè. Ở đó, chỉ có những câu chuyện vui, những tiếng cười, những sự quan tâm dù rất nhỏ cũng khiến các thành viên thấy ấm áp vô cùng. Ở đó không có những lời đả kích, châm chọc như trên bàn ăn nhà mình.

    Con có thể nghe theo sự góp ý của ba về đầu tóc, quần áo, nói năng... nếu như những lời góp ý đó được nói ra khi cha con ta ngồi cùng nhau sau bữa cơm chiều hoặc trong ngày nghỉ cuối tuần. Bạn gái con đến chơi nhà, nếu không thích mẹ có thể góp ý với con sau khi bạn đã về chứ không cau có, gắt gỏng ngay khi bạn con vừa đến. Tại sao khi nói chuyện với mọi người, ba mẹ không khen chúng con nhưng những cha mẹ khác mà chỉ “tố” chúng con là những đứa trẻ “sinh ra và lớn lên trong sung sướng nên chỉ biết hưởng thụ”? Con biết ba mẹ vất vả vì chúng con nhưng điều đó sẽ mất đi ý nghĩa nếu ngày nào chúng con cũng phải nghe điệp khúc than phiền, kể lể như vậy.

    18 tuổi, con đã biết rung động trước một mái tóc dài, một đôi mắt đen, một mùi hương rất lạ từ cô bạn ngồi bên. Con đã biết bâng khuâng thương nhớ, đã muốn hẹn hò... Con muốn tranh luận khi những điều ba nói không giống với suy nghĩ của con. Thế nhưng với ba, tất cả những thứ ấy là “không được phép” bởi trong suy nghĩ của ba mẹ, chúng con vẫn chỉ là những đứa trẻ lên 3!

    Và vì là những đứa trẻ lên 3 nên chúng con không có quyền chọn lựa, không được học đúng với sở trường, năng khiếu và niềm đam mê của mình. Tương lai là của con, xin hãy cho con được quyền quyết định. Xin hãy cho con được làm những điều mà con thấy vui vẻ, hạnh phúc. Bill Gates hay Steve Jobs trên thế giới này chỉ có vài người thôi ba mẹ à. Xin đừng so sánh con với họ. Xin đừng kỳ vọng con trở thành người nọ, người kia. Những người cha, người mẹ của Bill Gates hay Steve Jobs chắc cũng không bao giờ nghĩ rằng con mình lớn lên sẽ thành những vĩ nhân như thế. Hãy để con được là con. Sinh ra như thế và lớn lên như thế. Tất nhiên là con sẽ không làm điều gì sai trái.

    Con không đau vì bị ba đánh đòn mà con đau vì cảm thấy bị tổn thương, cảm thấy hình tượng ba mẹ trong con đã không còn nguyên vẹn...

    Ba hay than phiền: “Tụi nhỏ bây giờ thật khó hiểu”. Sự thật không phải vậy đâu ba.

    Hãy nghe con nói một lần: Ba mẹ hãy cúi lại gần làm bạn với chúng con chứ đừng từ trên nhìn xuống như những quan tòa. Chỉ có như vậy, ba mẹ mới thấy, không có gì khó hiểu đối với những đứa trẻ mười tám, đôi mươi...
    Nguồn: 24h