Từ xưa đến nay người ta luôn mặc định đàn ông là "phái mạnh", khoác lên mình vẻ mạnh mẽ nam tính, kiên cường, lạnh lùng, thậm chí vô cảm. Tuy nhiên điều này đã không còn đúng hiện nay.
Xã hội nào cũng vậy, suy nghĩ của hầu hết mọi người về đàn ông phải là đấng nam nhi mạnh mẽ và vững vàng trước mọi hoàn cảnh. Chính vì thế, "phái mạnh" không còn cách nào phải khoác lên mình vỏ bọc lạnh lùng, ít biểu lộ cảm xúc, thậm chí vô cảm để không ai biết được suy nghĩ thật của bản thân. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy quan điểm này không còn hoàn toàn đúng nữa, đàn ông đang dần trở nên cởi mở và dễ dàng chia sẻ cảm xúc hơn. Trong một số hoàn cảnh, bản tính ấy trở thành vấn đề "lợi bất cập hại".
Tại sao đàn ông ngày càng thích 'chém gió'? |
Theo kết quả khảo sát của Công ty phần mềm Intel, sự phát triển trong ngành công nghệ thông tin chính là nguyên nhân chính giúp cánh mày râu dễ dàng bộc lộ và chia sẻ cảm xúc của mình hơn.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự ra đời của những kỹ thuật hiện đại (điển hình là những ứng dụng Tweeter, Facebook, WhatsApp..) đã tạo ra một “cuộc cách mạng giao tiếp của nam giới”. Cuộc cách mạng này bùng nổ và kéo dài trong suốt hai thập niên gần đây. Từ đó đến bây giờ, đàn ông đã không còn cảm thấy khó khăn trong việc chia sẻ cảm giác và suy nghĩ của mình với người khác nữa. Thậm chí có người còn dự đoán vai trò “người chia sẻ”- vốn là thế mạnh của phụ nữ từ xưa tới nay, có khả năng sẽ bị các đấng nam nhi thế chỗ.
Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra trong số những ứng dụng của Internet, cánh mày râu đặc biệt thích sử dụng những công cụ giao tiếp trực tuyến (như Yahoo, Facebook, Blog...). Đối với họ, những công cụ này được xem như là một phương tiện tuyệt vời để dễ dàng xây dựng hình ảnh riêng của bản thân, trong khi phụ nữ thì lại suy nghĩ khác. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, phái đẹp vẫn ưa chuộng lối giao tiếp truyền thống và nói chuyện trực tiếp “mặt đối mặt” hơn.
Rõ ràng phụ nữ đang có xu hướng dần trở thành “người nghe”, còn đàn ông đang từng bước tiếp quản vai trò thành “người chia sẻ”. Đây là một sự hoán đổi khá thú vị. Không dừng ở đó, xu hướng này còn được dự đoán sẽ tăng mạnh trong tương lai gần.
Phụ nữ thấy sự "đổi vai" trên chỉ một phần là tốt. Bởi vì trò chuyện trên mạng chỉ đọc được những dòng chia sẻ cảm xúc của chàng từ những máy móc vô tri vô giác chứ không phải là từ “người thật, việc thật”.
Vậy nguyên nhân từ đâu mà cánh đàn ông lại thích “dựa dẫm” vào những công cụ kỹ thuật để giao tiếp? Richard Wiseman, giáo sư ngành Tâm lý học cộng đồng, Đại học Hertfordshire giải thích rằng điều này xuất phát từ mong muốn tránh phải đối mặt trực tiếp với những vấn đề liên quan đến cảm xúc, tình cảm của cánh mày râu.
“Đa phần nam giới cảm thấy không sẵn sàng khi phải chia sẻ những suy nghĩ và quan điểm của mình trong tình thế mặt đối mặt. Những kỹ thuật và ứng dụng online đã và đang mang đến cho các ông sự thoải mái cần thiết, vì họ sẽ có nhiều cơ hội và thời gian để chuẩn bị cũng như 'trau chuốt' ý kiến của bản thân”, giáo sư Richard nói.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của việc trò chuyện và chia sẻ trong bất cứ một mối quan hệ nào, nhưng nếu chỉ thông qua các phương tiện máy móc lại là chuyện khác. Một số chuyên gia lo ngại rằng nếu trình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì khả năng đến một ngày nào đó, đàn ông sẽ mất hết những kỹ năng giao tiếp cần thiết cho một cuộc sống thực bên ngoài. Các ông có thể bàn tán khá sôi nổi và hứng thú trên các trang mạng xã hội về công việc, chuyện tình cảm hay chuyện vui đó đây, nhưng nếu đem chúng ra đời thường, thái độ của họ sẽ khác ngay. Họ sẽ chẳng còn giữ được sự hào hứng ấy nếu phải trực tiếp đối diện với bạn để giải quyết những bất đồng hay khó khăn trong cuộc sống.
Giáo sư Richard khuyên các quý ông cứ thoải mái chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình, nhưng tốt nhất là hãy gặp mặt nhau để nói chuyện, chứ đừng chỉ qua những dòng “status” trên Facebook hay bất kỳ trang mạng nào.
Nguồn: vnexpress